Các biện pháp can thiệp dự phòng cho người HIV

Khoa Tham Vấn Hỗ Trợ Cộng Đồng Lai Châu

Các biện pháp can thiệp dự phòng cho người HIV

Các biện pháp can thiệp dự phòng cho người HIV, tính đến thời điểm hiện tại, bệnh HIV vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chính vì vậy tìm hiểu về các biện pháp can thiệp dự phòng cho người nhiễm HIV đóng vai trò rất quan trọng, giúp giảm thiểu tỷ lệ lây nhiễm và biến chứng mà bệnh gây ra.

1. Truyền thông thay đổi hành vi

 

Tư vấn cá nhân, tờ rơi, nói chuyện chuyên đề về nguy cơ lây nhiễm, biện pháp dự phòng, kiến thức, lợi ích của việc thay đổi hành vi, lợi ích của xét nghiệm HIV định kỳ và điều trị ARV sớm, xây dựng kỹ năng cho nhóm có nguy cơ cao nhằm giúp họ có hành vi an toàn và duy trì các hành vi bảo vệ

2. Sử dụng thuốc kháng vi rút để điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP)

 

(PrEP) -Sử dụng thuốc ARV để dự phòng lây nhiễm HIV cho người chưa nhiễm HIV nhưng có hành vi nguy cơ nhiễm HIV cao. PrEP là biện pháp dự phòng mới được sử dụng theo hướng dẫn điều trị và chăm sóc HIV/IDS (Quyết định 5456/QĐBYT – 20/11/2019). PrEP có hiệu quả dự phòng nhiễm HIV đến 96-99% nếu tuân thủ điều trị.(Có thể dùng PrEP: PrEP hàng ngày và PrEP theo tình huống).

Khi sử dụng PrEP phải được các bác sĩ chuyên khoa chăm sóc và điều trị HIV/AIDS trực tiếp tư vấn, chỉ định, theo dõi, tái khám, xử trí các tình huống bất thường, hỗ trợ tâm lý, xã hội, tuân thủ điều trị và các dịch vụ y tế cần thiết khác.

3. Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV (PEP)

 

PEP là dùng thuốc kháng virus HIV cho những người bị phơi nhiễm với HIV. Điều trị sau phơi nhiễm cần được thực hiện càng sớm càng tốt và không muộn hơn 72 giờ. Phơi nhiễm có thể xảy ra trong môi trường nghề nghiệp và môi trường bên ngoài. Quy trình dự phòng sau phơi nhiễm với HIV gồm 7 bước sau:

  • Bước 1: Xử lý vết thương tại chỗ
  • Bước 2: Báo cáo phụ trách và làm biên bản (phơi nhiễm do nghề nghiệp)
  • Bước 3: Đánh giá nguy cơ theo mức độ tổn thương và diện tích tiếp xúc
  • Bước 4: Xét nghiệm xác định tình trạng HIV của nguồn gây phơi nhiễm
  • Bước 5: Xác định tình trạng nhiễm HIV của những người bị phơi nhiễm
  • Bước 6: Tư vấn cho người bị phơi nhiễm về nguy cơ nhiễm HIV, viêm gan B, C. Lợi ích của điều trị dự phòng, tuân thủ và tác dụng phụ của thuốc ARV
  • Bước 7: Kê đơn thuốc PEP cho 28 ngày cho người có nguy cơ

Bảng 1. Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV

Đối tượng Phác đồ thuốc ARV
Người lớn TDF + 3TC (hoặc FTC) + DTG (ưu tiên) hoặc TDF + 3TC (hoặc FTC) + LPV/r (thay thế) hoặc TDF + 3TC (hoặc FTC) + RAL (thay thế)
Trẻ em ≤ 10 tuổi AZT + 3TC + DTG (ưu tiên nếu có sẵn liều DTG đã được phê duyệt) hoặc
AZT + 3TC + LPV/r (thay thế) hoặc
AZT + 3TC + RAL (thay thế)

 

Thời gian điều trị dự phòngsau phơi nhiễm: Bắt đầu điều trị càng sớm càng tốt. Không điều trị khi đã phơi nhiễm quá 72 giờ. Thời gian: điều trị đủ 28 ngày liên tục.

4. Dự phòng bệnh lao và một số bệnh nhiễm trùng cơ hội thường gặp

Các biện pháp can thiệp dự phòng cho người nguy cơ mắc HIV
Các biện pháp can thiệp dự phòng cho người nguy cơ mắc HIV

Người nhiễm HIV rất dễ mắc lao, đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong HIV. Đồng thời HIV cũng làm tăng số người mắc lao, tăng tỷ lệ lao kháng thuốc và tăng tỷ lệ tử vong do lao vì vậy mọi người mắc HIV đều phải dự phòng lao

Dự phòng bệnh lao: Cơ sở điều trị HIV cần thực hiện 3 chiến lược gồm: Phát hiện tích cực bệnh lao; Điều trị lao tiềm ẩn; Kiểm soát nhiễm khuẩn lao. Điều trị sớm ARV cho người nhiễm HIV sẽ làm giảm tỷ lệ mắc lao cũng như tỷ lệ tử vong do lao, đặc biệt khi được điều trị lao tiềm ẩn bằng thuốc kháng lao.

Thực hiện phân loại bệnh nhân đến khám, ưu tiên khám trước cho các bệnh nhân nghi lao. Xác định nhanh các trường hợp nghi mắc bệnh lao, chẩn đoán sớm và điều trị lao kịp áp dụng cách ly.

Sử dụng các biện pháp dự phòng phù hợp cho nhân viên y tế, nếu nghi có mắc lao cần chẩn đoán, điều trị sớm, đăng ký và báo cáo bệnh do nghề nghiệp.

Khu vực chờ hoặc nơi khám bệnh cần được thông khí tốt (thông gió tự nhiên hoặc dùng quạt đúng chiều); cần có các thông điệp về vệ sinh khi ho hiển thị rõ ràng trong các khu vực có đông người bệnh.

5. Điều trị dự phòng một số bệnh nhiễm trùng cơ hội cho người mắc HIV

Điều trị dự phòng
Điều trị dự phòng

 

Điều trị dự phòng bằng co-trimoxazole: Điều trị dự phòng bằng co-trimoxazole (CTX ) có hiệu quả ngăn ngừa một số bệnh nhiễm trùng cơ hội như viêm phổi do Pneumocystis jiroveci, bệnh do Toxoplasma và một số bệnh nhiễm khuẩn khác. Dự phòng CTX được khuyến cáo cho người lớn, phụ nữ mang thai, đang cho con bú và trẻ phơi nhiễm hoặc nhiễm HIV.

Dự phòng nấm Cryptococcus: Việc sàng lọc kháng nguyên Cryptococcus (CrAg) và điều trị dự phòng sớm bằng fluconazole giúp phòng ngừa tiến triển thành viêm màng não ở những người mắc HIV có mang kháng nguyên Cryptococcus trong máu mà không có triệu chứng.

6. Tiêm chủng

 

Virus HIV làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm sức đề kháng nên người mắc HIV rất dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng. Tiêm chủng theo hướng dẫn sẽ giúp người mắc HIV dự phòng được các bệnh nhiễm trùng, kết hợp với lối sống lành mạnh, ăn, uống đủ chất, hợp vệ sinh, thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, vận động thể thao hợp lý sẽ giúp cho người mắc HIV khỏe mạnh, đảm bảo chất lượng sống lâu dài.

6.1 Tiêm chủng cho trẻ phơi nhiễm và trẻ nhiễm HIV

Trẻ phơi nhiễm và nhiễm HIV cần được tiêm chủng theo lịch như mọi trẻ khác nhưng cần lưu ý khi tiêm các vắc-xin sống như: Vắc-xin BCG và các vắc-xin sống khác (Bại liệt, Sởi, Rubella)

  • Trẻ phơi nhiễm với HIV

Tiêm phòng vắc-xin BCG khi chưa có bằng chứng khẳng định nhiễm HIV. Theo dõi sát trẻ sau tiêm BCG, phát hiện bệnh do tiêm BCG: Loét vị trí tiêm, viêm hạch, bệnh BCG lan tỏa (suy mòn, gan lách hạch to).

Hoãn tiêm BCG cho trẻ có cân nặng < 2000g hoặc có các biểu hiện lâm sàng nghi nhiễm HIV cho đến khi khẳng định tình trạng nhiễm HIV.

Trẻ phơi nhiễm với HIV nếu không được điều trị dự phòng lây truyền mẹ con và/hoặc trẻ đã được khẳng định nhiễm HIV: Không tiêm BCG

  • Trẻ nhiễm HIV

Hoãn sử dụng vắc-xin sống nếu trẻ có biểu hiện nhiễm HIV nặng, tế bào CD4 < 15% hoặc ở giai đoạn lâm sàng 4. Sau điều trị ARV ổn định, lâm sàng cải thiện thì tiêm chủng cho trẻ theo lịch như trẻ không nhiễm HIV.

6.2 Tiêm chủng cho người lớn nhiễm HIV

B1vx
Bảng 2: Lịch tiêm chủng cho người lớn nhiễm HIV
Chương trình tiêm chủng mở rộng
Chương trình tiêm chủng mở rộng

Lưu ý:

Vắc-xin sống (sởi, quai bị, rubella, thủy đậu): Không tiêm cho người nhiễm HIV khi CD4 < 200 tế bào/mm3 hoặc/và GĐLS 4. Khi người bệnh được điều trị ARV ổn định, có thể tiếp tục tiêm phòng như cho người không nhiễm HIV.

Vắc-xin khác: tiêm phòng như người không nhiễm HIV.

Đã có lúc nhiễm HIV được coi là chết. Hiện nay, các can thiệp dự phòng và điều trị đã giúp nâng cao chất lượng sống cho người mắc HIV.

Như mọi người mắc các bệnh mạn tính khác, người mắc HIV hoàn toàn có thể sống khỏe mạnh, sinh con khỏe mạnh khi họ được điều trị ARV và tuân thủ điều trị tốt, sống lành mạnh, thực hiện nghiêm túc các biện pháp dự phòng, đặc biệt là cần tiêm vắc-xin đầy đủ.

 

Để lại một bình luận